Chiến lược phát triển trường Đại học Trưng Vương giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030
MỞ ĐẦU
1. Sơ lược về Trường và bối cảnh nước ta hiện nay
Trường Đại học Trưng Vương là trường đại học tư thục. Trường được thành lập năm 2010, bắt đầu đào tạo vào năm 2011. Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Trường hiện là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hướng tới là một nơi đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng có chất lượng và uy tín cao, có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của các quốc gia đòi hỏi giáo dục phải được đổi mới, tổ chức linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học suốt đời.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030 của đất nước đã khẳng định phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại. Chiến lược cũng đã xác định rõ một trong ba đột phá là tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng có nhiều thách thức đối với sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung, các cơ sở giáo dục đại học nói riêng.
Trên cơ sở bối cảnh chung về chiến lược phát triển đất nước, của vùng và địa phương, Hội đồng Trường Đại học Trưng Vương đề ra chiến lược phát triển của Trường trong giai đoạn mới 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược phát triển này được xây dựng trên việc điều chỉnh Chiến lược phát triển Trường Đại học Trưng Vương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 phù hợp với tình hình mới, nhận thức mới, và là định hướng cho sự phát triển lâu dài, bền vững của Trường.
2. Cơ sở pháp lý xây dựng chiến lược phát triển
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13, ngày 18/6/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14, ngày 19/11/2018 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
Quyết định số 69/QĐ-TTg, ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025.
Quyết định số 2559/QĐ-BGDĐT, ngày 06/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về ban hành Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được Bộ GD&ĐT ban hành.
Chiến lược phát triển tổng thể của Trường Đại học Trưng Vương giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến 2030.
GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
1. Mục tiêu về chiến lược phát triển các lĩnh vực giai đoạn 2021 – 2025
Xây dựng Trường theo hướng nghiên cứu kết hợp ứng dụng; đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước;
Chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế.
Thực hiện tốt trách nhiệm kết nối và phục vụ cộng đồng.
Huy động trí tuệ tập thể trong và ngoài Trường nhằm mục tiêu phát triển toàn diện Trường Đại học Trưng Vương.
1.1. Tổ chức, đội ngũ và quản lý
Đổi mới công tác quản trị, quản lý Nhà trường dựa trên mục tiêu chiến lược phát triển và nền tảng hệ giá trị cốt lõi của Trường. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp với hoạt động thực tế của Trường theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, chuyên viên chuẩn hóa, đảm bảo đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng với cơ cấu hợp lý và tinh giản; đội ngũ này phải có phẩm chất đạo đức, nhiệt huyết với nghề, gắn bó với Trường.
1.2. Đào tạo, quản lý và hỗ trợ người học 100% chương trình đào tạo các trình độ của Trường đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình chung và chuẩn đầu ra theo nhóm lĩnh vực, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát triển có chọn lọc một số ngành đào tạo mới: đến năm 2025 có từ 05 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 01 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, trên 20 ngành đào tạo trình độ đại học (trong đó 70% ngành đào tạo nhóm ngành ứng dụng, tối thiểu 02 ngành đào tạo trình độ đại học chất lượng cao)
Ổn định quy mô tuyển sinh hằng năm. Triển khai đào tạo theo đặt hàng của nhà tuyển dụng.
100% người học được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các chế độ, chính sách, nguồn lực của Nhà trường. Các hoạt động tư vấn, dịch vụ phục vụ người học được mở rộng và nâng cao chất lượng.
1.3. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao uy tín và vị thế của Trường Đại học Trưng Vương. Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng các nền tảng số, phát triển chương trình đào tạo. Tiến tới tất cả các hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường cơ bản vận hành trên nền tảng công nghệ số.
Về lĩnh vực hợp tác quốc tế: Nâng cao hình ảnh, vị thế của Trường, làm tăng nguồn thu cho Trường thông qua việc: Duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các đối tác đang có ở trong và ngoài nước đồng thời, từng bước tìm kiếm và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác mới.
Đa dạng hoá các hình thức hợp tác trong đào tạo, các loại hình đào tạo nhằm làm phong phú và nâng cao chất lượng đào tạo. Khuyến khích trao đổi học thuật (trao đổi giảng viên, sinh viên) nhằm tăng cường mối quan hệ với các trường, các viện; Xây dựng và hoàn thiện các quy định, đảm bảo chất lượng, quy chế hỗ trợ trong hợp tác đối ngoại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hợp tác đối ngoại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
1.4. Truyền thông, quan hệ doanh nghiệp, cựu sinh viên và phục vụ cộng đồng
Về lĩnh vực truyền thông: Xây dựng, củng cố và quảng bá hình ảnh của Trường Đại học Trưng Vương là một cơ sở giáo dục đại học uy tín, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự ủng hộ của các nhóm đối tượng trong các hoạt động quản lý và chiến lược phát triển Trường, hướng tới xây dựng văn hóa của tổ chức phù hợp với định hướng, sứ mạng, mục tiêu và giá trị cốt lõi của Trường.
Về lĩnh vực quan hệ doanh nghiệp và cựu sinh viên: Phát huy cao hiệu quả sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cho quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; phát huy hiệu quả sự tài trợ của doanh nghiệp về tài chính, công nghệ và cơ sở thực hành tại doanh nghiệp. Nâng cao tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp, góp phần nâng cao thương hiệu cơ sở đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương – vùng – quốc gia.
Về lĩnh vực phục vụ cộng đồng: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Trường trong việc đáp ứng yêu cầu của xã hội và phục vụ cộng đồng thông qua các hoạt động trao đổi kiến thức, phát triển kỹ năng và năng lực cho các bên tham gia dựa trên sự hợp tác và nguồn lực hiện có góp phần phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng.
1.5. Tài chính
Đổi mới phương thức quản lý để tăng cường phát triển. Thực hiện đa dạng hóa nguồn tài chính, đảm bảo cơ cấu thu một cách hợp lý. Đến năm 2025 cơ cấu thu đạt chỉ tiêu: thu học phí tỉ lệ 90%; thu từ hoạt động dịch vụ, NCKH, chuyển giao công nghệ tỷ lệ 7%; thu từ vốn huy động của xã hội, vận động tài trợ chiếm tỉ lệ 3%.
Thực hiện cơ cấu chi một cách hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả các khoản chi đầu tư. Đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ giảng viên, nhân viên và người lao động.
1.6. Cơ sở vật chất
Đầu tư, phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, góp phần thúc đẩy quá trình tự chủ và thực hiện thành công chiến lược phát triển chung của Trường.
Xây dựng Trường Đại học Trưng Vương thành một khuôn viên văn minh, hiện đại, thân thiện;
Kiện toàn hệ thống quy định về quản lý cơ sở vật chất; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng phục vụ.
1.7. Quản lý chất lượng
Hình thành văn hóa chất lượng Trường Đại học Trưng Vương, trong đó mọi hoạt động đàotạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và pháp lý theo tiêuchuẩn chất lượng quốc gia, từng bước tiệm cận chuẩn khu vực.
Kết quả kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục của Trường được nâng cao ở tất cả các tiêu chí cơ bản.Tối thiểu 20% chương trình đào tạo của Trường được kiểm định theo tiêu chuẩn củaBộ Giáo Dục và Đào tạo.
Cải thiện vị trí xếp hạng của Trường Đại học Trưng Vương trên các bảng xếp hạng trong nước, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của Trường.
2. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CLPT Trường giai đoạn 2021-2025
2.1. Tổ chức, đội ngũ và quản lý
Cập nhật và hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ phù hợp với các quy định của pháp luật, của Bộ giáo dục và Đào tạo và tình hình thực tế hoạt động của Trường.
Đẩy mạnh phát triển chất lượng và hiệu quả trong việc xây dựng kế hoạch, ra quyết định, giám sát, đánh giá thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật cũng như phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế của Trường.
Xây dựng đề án hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý của Trường.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên thông qua các dự án về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình thu hút học giả quốc tế.
Đổi mới, cải tiến công tác thi đua, khen thưởng nhằm khuyến khích sự cố gắng nỗ lực của mọi cá nhân, bộ phận, đơn vị. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu đối với cán bộ trẻ để bồi dưỡng, sớm đạt chuẩn các chức danh.
Rà soát và điều chỉnh, cụ thể hóa Đề án vị trí việc làm để xây dựng kế hoạch tuyển dụng cán bộm giảng viên được hợp lý. Đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, giảng viên, người lao động gắn với hiệu quả công việc và sản phầm đầu ra.
2.2. Đào tạo, quản lý và hỗ trợ người học
Hoàn thiện các Quy chế về đào tạo (trình độ đại học, thạc sĩ). Bổ sung các quy định, chính sách hỗ trợ người học theo đúng các quy định của Pháp luật và phù hợp với đặc điểm của Trường.
Xây dựng các quy trình phối hợp cụ thể, tăng cường hệ thống thiết bị và phần mềm đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo, quản lý và phục vụ người học.
Đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác truyền thông tuyển sinh, nhằm thu hút người học có năng lực, tố chất tốt; thu hút và gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu tại Trường.
Rà soát, quy hoạch ngành nghề đào tạo của Trường xây dựng những chính sách tuyển sinh, định hướng đào tạo phù hợp với từng nhóm ngành.
Điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo, phù hợp với thế mạnh, đặc điểm của Trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Chuyển đổi một số ngành học cũ, mở ngành học mới. Xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển mở một số ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, các nhóm ngành chất lượng cao, nhóm ngành sức khỏe phù hợp với nguồn lực của Trường về Dược học, Y học.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo và phương thức đào tạo (chính quy, vừa học vừa làm, chương trình đào tạo thứ hai, chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế, đào tạo trực tiếp, đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp…). Quan tâm mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đa dạng của xã hội.
Rà soát tổng thể chương trình đào tạo các trình độ để đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình theo quy định của BGDĐT, đồng thời đảm bảo tính liên thông, chuyển đổi, công nhận tín chỉ giữa các hình thức, trình độ, loại hình đào tạo và giữa các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước khi đáp ứng các điều kiện do Trường quy định.
Đổi mới nội dung và các hoạt động dạy học theo hướng tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến, tăng tính chủ động, sáng tạo, tính ứng dụng, thực hành. Tăng cường tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy.
Nâng cao chất lượng nguồn học liệu, giáo trình, tài liệu tham khảo, đặc biệt ưu tiên việc mua nguyên bản hoặc biên soạn sách, giáo trình trên cơ sở sách, tài liệu của các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. Xây dựng và sử dụng hiệu quả các nguồn học liệu số.
Xây dựng cổng thông tin tích hợp, cung cấp các dịch vụ để từng bước tiến đến triệt để ứng dụng chuyển đổi trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến quản lý và phục vụ người học; phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ học tập.
Chú trọng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, nhân cách, lối sống và ý thức công dân cho sinh viên. Tạo lập các câu lạc bộ, các chính sách, điều kiện nhằm hỗ trợ, phát huy tối đa năng lực và tài năng sinh viên.
Cung cấp đa dạng các dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của sinh viên: ký túc xá, khu sinh hoạt thể thao, trung tâm học liệu, khu sinh hoạt văn hóa… Có phương án hợp tác, khai thác, đa dạng hoá nguồn tài trợ, học bổng hỗ trợ sinh viên học giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn tâm lý học đường cho sinh viên.
Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị ngoài trường nhằm tăng cường hợp tác liên kết đào tạo theo nhu cầu, đặt hàng. Xây dựngcơ chế và tăng cường các hoạt động hợp tác đại học – doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệuquả đào tạo và NCKH, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Định kỳ khảo sát, đánh giá chất lượng và tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Khảo sát ý kiến của cựu sinh viên và nhà tuyển dụng để xây dựng và điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo, cải tiến công tác quản lý, nâng cao hiệu quả các hoạt động phục vụ người học. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến và giới thiệu việc làm, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cơ hội việc làm cho người học sau tốt nghiệp.
2.3. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học:
Tập trung vào các giải pháp, chính sách nâng cao số lượng và chất lượng công bố quốc tế.
Thay đổi phương thức đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học đối với cán bộ trên nguyên tắc tạo động lực mạnh mẽ cho cán bộ cả về tài chính và sự phát triển nghề nghiệp.
Thay đổi và đa dạng hóa loại hình tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, trong đó có những loại hình tài trợ, hỗ trợ theo kết quả sản phẩm cuối cùng.
Hỗ trợ tốt hơn giảng viên về các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục về tài chính, trong suốt quá trình đăng ký, thực hiện và nghiệm thu các đề tài, dự án khoa học công nghệ theo hướng có quy chế, biểu mẫu, hướng dẫn cụ thể, chi tiết và dễ áp dụng cho từng loại đề tài, dự án.
Về lĩnh vực phát triển công nghệ:
Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có khả năng hợp tác chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung.
Xây dựng kế hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ Khoa học và Công nghệ của Trường; xây dựng các nhóm nghiên cứu, nhóm chuyển giao công nghệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Tăng ngân sách của Trường chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mỗi năm để thu hút cán bộ tham gia nghiên cứu chuyển giao công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy.
Xây dựng được chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ; Bố trí quỹ hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho cán bộ thực hiện đăng ký sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.
Tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyển giao công nghệ; chủ động khai thác các dự án hợp tác; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Hình thành và phát triển các phòng thí nghiệm trọng điểm để tạo ra các sản phẩm nghiên cứu, các sáng chế có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Về lĩnh vực hợp tác quốc tế:
Xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của Trường Đại học Trưng Vương. Xây dựng Quy định về quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Trưng Vương nhằm khuyến khích, tạo điều kiện các đơn vị/cá nhân tham gia hoạt động hợp tác quốc tế.
Mở rộng quy mô đào tạo lưu học sinh. Đẩy mạnh liên kết đào tạo với nước ngoài đi đôi với việc giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng. Mở rộng và phát triển các chương trình “thực tập sinh” ở trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh tìm kiếm các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về đào tạo, khoa học công nghệ và phục vụ xã hội. Phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và các cơ quan khác nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế; tích cực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế của trung ương và địa phương.
Tăng cường tìm kiếm nguồn học bổng phục vụ đào tạo cán bộ và người học; Tăng cường trao đổi cán bộ và sinh viên với các cơ sở giáo dục đại học và khoa học công nghệ trong khu vực và quốc tế.
Thường xuyên tổ chức và tạo điều kiện để cán bộ, người học tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; tham gia các tổ chức giáo dục, khoa học, mạng lưới, diễn đàn, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế.
Thực hiện liên kết thư viện, trao đổi thông tin khoa học và công bố quốc tế.
Tăng cường năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ và người học; hợp tác xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh có sự tham gia của giảng viên nước ngoài.
2.4. Công nghệ số và chuyển đổi số
Đầu tư, nâng cấp và phát triển hạ tầng thông tin, hệ thống tích hợp dữ liệu. Chiến lược phát triển Trường Đại học Trưng Vương giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030.
Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoahọc. Phát triển các phương pháp học tập; đổi mới, xây dựng học liệu số đưa tương tác, trảinghiệm trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục chính đối với giảng viên và ngườihọc, nâng cao năng lực tự chủ của người học và trang bị kỹ năng số cho người học.
Đào tạo và bồi dưỡng năng lực số cho viên chức đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; đào tạo nhân sự khai thác, vận hành, quản trị và phát triển hệ thống trên nền tảng số.
2.5. Truyền thông, quan hệ doanh nghiệp, cựu sinh viên và phục vụ cộng đồng
Về lĩnh vực truyền thông:
Đánh giá và hoàn thiện toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu Trường Đại học Trưng Vương. Triển khai hệ thống nhận diện và kiểm tra giám sát để đảm bảo đạt được mục tiêu truyền thông.
Tăng cường truyền thông và quảng bá hình ảnh Nhà trường, các thành tựu về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và phục vụ cộng đồng của Trường trên website, các nền tảng mạng xã hội, các diễn đàn học thuật trong nước và quốc tế.
Tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí, với các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm chủ động trong hoạt động quảng bá về Trường và kịp thời xử lý các vấn đề liên quan khi có khủng khoảng thông tin xảy ra.
Xây dựng Chương trình truyền thông đối nội đến tất cả các thành viên của Trường để mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động và người học thấu hiểu và trở thành “đại sứ truyền thông” của Trường.
Phát huy chức năng của bộ phận truyền thông; Tăng cường giải pháp, hoạt động truyền thông với các trường THPT tốt để thu hút nguồn tuyển sinh đầu vào.
Về lĩnh vực quan hệ doanh nghiệp và cựu sinh viên:
Xây dựng một cộng đồng cựu sinh viên toàn diện của Trường Đại học Trưng Vương. Có những hoạt động gắn kết, đặc biệt nối kết mạnh mẽ các cựu sinh viên có tâm, tầm, lực để hỗ trợ phát triển Trường.
Khoa/ngành chủ động xây dựng lộ trình kết nối doanh nghiệp của khoa mình mang tính đặc thù riêng; có kế hoạch truyền thông thương hiệu doanh nghiệp, cung ứng nhân lực và đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp (ngắn hạn và đặc thù).
Tổ chức kết nối hợp tác trước và sau khi ký biên bản ghi nhớ hiệu quả: Cá nhân – Cá nhân, Khoa – Doanh nghiệp, Trường – Doanh nghiệp thông qua nhiều kênh, thành viên của: Tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội, trung tâm và cơ quan quản lý Doanh nghiệp…
Xây dựng kế hoạch hàng năm và triển khai hoạt động cho Hội cựu sinh viên Trường. Tổ chức họp mặt truyền thống các thế hệ cựu sinh viên hàng năm nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Tổ chức các diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoặc các buổi sinh hoạt giữa cán bộ, sinh viên Nhà trường với cựu sinh viên nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó các thế hệ sinh viên của Trường; tạo các các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho sinh viên cũng như truyền cảm hứng cho các em sinh viên đang học tập tại Trường.
Khảo sát cựu sinh viên, doanh nghiệp về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, kiểm định, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục, khởi nghiệp cũng như cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trường.
Về lĩnh vực phục vụ cộng đồng:
Nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng của đào tạo – nghiên cứu khoa học gắn liền phục vụ cộng đồng; về lợi ích và vai trò của học tập thông qua các hoạt động trải nghiệm tại cộng đồng.
Đảm bảo thiết kế các chương trình đào tạo có các hoạt động gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn thông qua các hoạt động học tập trải nghiệm của sinh viên với cộng đồng, đảm bảo phát huy tối đa nội lực của các bên liên quan.
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển xã hội.
Đa dạng và chuẩn hóa các hoạt động tình nguyện, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng thông.
Tăng cường sự kết nối và hợp tác với các trường đại học tiềm năng (trong nước và quốc tế) có thiết kế các hoạt động dạy học dựa vào cộng đồng.
Nâng cao năng lực cho giảng viên, sinh viên và các đối tác (cộng đồng) trong việc thiết kế các hoạt động dạy học dựa vào cộng đồng.
2.6. Tài chính
Xây dựng phương án, đề án, kế hoạch tăng cường, đa dạng nguồn thu: phát triển các loại hình dịch vụ khoa học nhằm tăng cường nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; huy động nguồn tài trợ, các nguồn xã hội hóa khác….
Chú trọng đến việc huy động nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp phù hợp với lĩnh vực chuyên môn và khả năng của Trường.
Tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Trong khuôn khổ nguồn kinh phí còn hạn chế, cần đánh giá, sắp xếp các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư, đầu tư có trọng điểm, tránh tình trạng kinh phí sử dụng dàn trải, không hiệu quả, lãng phí, nợ đọng.
Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng phù hợp với đặc thù của Trường. Từng bước nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho cán bộ, giảng viên và người lao động phù hợp với vị trí việc làm. Chủ động tiết kiệm trong chi tiêu, mở rộng nguồn thu để có thu nhập tăng thêm cho người lao động.
2.7. Cơ sở vật chất
Tiếp cận, đề xuất và xây dựng các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu sử dụng.
Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với toàn hệ thống để nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng.
Hiện đại hoá hệ thống giảng đường, phòng học đảm bảo các tiêu chí về giáo dục nâng cao toàn diện năng lực, phẩm chất người học, đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp đào tạo định hướng cởi mở, linh hoạt, giàu tính ứng dụng.
Tăng cường đầu tư và bổ sung hoàn thiện hệ thống phòng thực hành để nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu, chuyển giao và phát triển các dịch vụ công nghệ.
Tranh thủ tối đa các nguồn tài trợ nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất. Đổi mới công tác quản lý cơ sở vật chất của Trường theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm.
Tăng cường năng lực, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện hoạt động của đội ngũ cán bộ, quản lý, quản trị, điều hành cơ sở vật chất nhằm nâng cao toàn diện chất lượng phục vụ, bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo tối ưu hoá nguồn lực sẵn có và bám sát chức năng, nhiệm vụ giáo dục đào tạo.
2.8. Quản lý chất lượng
Phát triển nguồn nhân lực hệ thống đảm bảo chất lượng: Tuyên truyền sâu rộng về vai trò, ý nghĩa của đảm bảo chất lượng trong việc thực hiện sứ mạng, định hướng và mục tiêu của Trường nhằm xây dựng nền tảng và ủng hộ rộng rãi của các bên liên quan trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa chất lượng. Hoàn thiện mạng lưới các bộ phận đảm bảo chất lượng của tất cả các đơn vị trong Trường kèm theo hệ thống văn bản pháp lý rõ ràng; nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng; Có chế độ khuyến khích đối với cá nhân, đơn vị tích cực tham gia công tác kiểm định.
Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế: Rà soát, quy hoạch các ngành đào tạo theo lộ trình kiểm định chất lượng; ưu tiên kiểm định chất lượng quốc tế và đối sánh các chương trình thuộc nhiệm vụ chiến lược, các chương trình đào tạo chất lượng cao; tự đánh giá và đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện đối sánh chương trình đào tạo theo các chỉ số đảm bảo chất lượng cốt lõi của các đại học tiên tiến. Xây dựng lộ trình cải thiện vị trí của Trường trên các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế.
Mở rộng quan hệ trong nước và quốc tế phục vụ công tác đảm bảo chất lượng
Tăng cường công tác truyền thông và quan hệ doanh nghiệp: Truyền thông thương hiệu và đảm bảo chất lượng tại các không gian học thuật của Trường, trên các kênh truyền thông của trường; cùng tổ chức các sự kiện và lan tỏa thương hiệu và chiến lược đảm bảo chất lượng đến người học và các bên liên quan của Trường.
TẦM NHÌN 2030
1. Tổ chức, đội ngũ và quản lý
Tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy với các phòng chức năng, các khoa, viện, trung tâm phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của Trường.
Duy trì đội ngũ cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên có trình độ tiến sĩ chiếm từ 40% trở lên.
2. Đào tạo, quản lý và hỗ trợ người học
Đến năm 2030, các hoạt động quản lý và phục vụ người học đáp ứng được quy mô khoảng 10.000 sinh viên; xây dựng được môi trường học tập, nghiên cứu và rèn luyện hiện đại với các hoạt động, dịch vụ đa dạng, tiên tiến, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người học.
Đến năm 2030, tập trung đầu tư có trọng điểm để Trường Đại học Trưng Vương có ít nhất 01 ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế;
3. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế
Phát triển được một số lĩnh vực nghiên cứu có thế mạnh mang tầm cỡ quốc gia.
Phát triển được ít nhất 05 nhóm nghiên cứu mạnh.
4. Công nghệ số và chuyển đổi số
Hạ tầng mạng đáp ứng được nhu cầu về quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường.
Phát triển các kho học liệu trực tuyến đáp ứng 100% nhu cầu về tài liệu học tập của người học.
Áp dụng có hiệu quả cao hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu, công nghệ số về trí tuệ nhân tạo.
Tối thiểu 85% người học hài lòng về chất lượng dịch vụ hỗ trợ trên môi trường số của Trường.
5. Truyền thông, quan hệ doanh nghiệp, cựu sinh viên và phục vụ cộng đồng
Hoàn thiện đến tầm cao hệ thống truyền thông của Trường.
Mở rộng quan hệ doanh nghiệp, trở thành trung tâm nối kết doanh nghiệp với đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Mở rộng và triển khai hiệu quả việc kết nối mạng lưới cựu sinh viên và phục vụ cộng đồng.
6. Cơ sở vật chất
Hiện đại hóa toàn diện hệ thống cơ sở vật chất
Trường Đại học Trưng Vương trở thành trường đại học thông minh, kết nối và chia sẻ, đạt được mục tiêu chiến lược.
7. Quản lý chất lượng
Trường Đại học Trưng Vương đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo về cơ sở giáo dục đại học.
Tất cả chương trình đào tạo của Trường được kiểm định theo tiêu chuẩn trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Trưng Vương giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030.
THỰC HIỆN
1. Giao cho Hiệu trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức xây dựng kế hoạch hành động cụ thể theo từng giai đoạn để thực hiện chiến lược. Những chương trình, dự án lớn giao đơn vị đầu mối tổ chức và các đơn vị phối hợp thực hiện. sử dụng triệt để các nguồn lực, thế mạnh, cơ hội… nhằm đạt mục Chiến lược.
2. Các tổ chức, đơn vị trong Trường cụ thể Chiến lược của Trường thành chương trình, kế hoạch chi tiết của tổ chức, đơn vị (chương trình đề án, dự án, kế hoạch…) để triển khai thực hiện theo từng năm học. Xác định rõ từng nội dung, thời gian thực hiện (bắt đầu, kết thúc, các điều kiện, nguồn lực để tổ chức thực hiện.
3. Tăng cường công tác truyền thông đến toàn thể cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên, người lao động, người học và các bên liên quan.
4. Giao Phòng Thanh tra – Pháp chế tham mưu giúp Hiệu trưởng rà soát pháp chế các văn bản do HĐT, Hiệu trưởng ký ban hành; tổ chức thanh tra kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị, cá nhân thuộc trường.
5. Giao phòng HC-TC làm đầu mối thực hiện chế độ thông tin báo cáo, lưu trữ, thi đua khen thưởng phù hợp.
6. Hàng năm, Hội đồng trường tổ chức Hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, rà soát và điều chỉnh các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược được cụ thể hóa trong kế hoạch, nhiệm vụ năm học của Nhà trường. Tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, điều chỉnh Chiến lược phù hợp với tình hình thực tiễn.